Đặc điểm sinh học Đậu_rồng

Đậu rồng thuộc loại thân thảo leo, đa niên nhờ có củ to dưới đất. Nếu được dựng giàn, Đậu rồng có thể bò lan trên 3 m. Lá có 3 lá chét hình tam giác nhọn. Hoa mọc thành chùm ở nách lá, mỗi chùm có 3 - 6 hoa màu trắng hay tím. Trái đậu màu vàng - xanh lục, hình 4 cạnh có 4 cánh, mép có khía răng cưa, trong có thể chứa đến 20 hột. Hột gần như hình cầu, có màu sắc thay đổi có thể vàng, trắng hay nâu, đen tùy theo chủng, có thể nặng đến 3 gram.[2] Đây là loại cây rất dễ trồng, chỉ cần gieo hạt khô là dây leo sẽ mọc lên và phát triển. Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Đậu rồng có giá trị dinh dưỡng, có nhiều vitamin E và A. Thành phần acid amin trong Đậu rồng có nhiều lysin (19,8%), methionin, cystin. Đậu rồng chứa nhiều calcium hơn cả Đậu nành lẫn Đậu phộng. Tỷ lệ protein tương đối cao (41,9%) khiến Đậu rồng được Cơ quan lương nông thế giới (FAO) xếp vào loại cây lương thực rẻ tiền nhưng bổ dưỡng.

Tuy nhiên cũng như tất cả các cây trong họ Đậu khác, Đậu rồng có chứa purin nên không thích hợp với những người bị thống phong (gout), mặt khác cũng dễ gây đầy bụng, nên cần phải luộc bỏ nước và nấu chín hột đậu trước khi ăn, những phụ nữ bị nhức nửa đầu (migraine), cũng nên tránh ăn vì Đậu rồng có thể gây kích khởi cơn nhức đầu.[2]